Abstract:
|
Ở các dân tộc thiểu số nước ta từ lâu đã hình thành nên những quy định về quan hệ sở
hữu, chiếm hữu đối với của cải vật chất, trong đó có các tài nguyên thiên nhiên nơi họ sinh sống.
Việc xác định quyền sở hữu và chiếm hữu đối với các nguồn tài nguyên này chính là cơ sở để cộng
đồng có thể quản lý và sử dụng tốt hơn, có hiệu quả hơn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên
và môi trường. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua các quy định về quan hệ sở hữu trong các
bộ Luật tục của một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Trường hợp Luật tục Thái và Luật tục Êđê).
Về vấn đề sở hữu, ở mỗi dân tộc, tuỳ theo sự phát triển của mỗi cộng đồng mà có các quy định
về quan hệ sở hữu khác nhau. Ở đây hầu như chưa có các quan hệ sở hữu về tài sản, mà chủ yếu
chỉ xác định quyền sở hữu đối với tài nguyên thiên nhiên, như đất đai, rừng núi, sông suối…
Nhưng các quan hệ sở hữu này lại là sở hữu chung của cả cộng đồng, sở hữu của cá nhân, gia đình
đối với vùng đất, vùng rừng, động thực vật của cộng đồng dân tộc đó.
Việc xác định quan hệ sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một vấn đề hết sức quan
trọng và cấp bách đối với các dân tộc ít người miền núi nói riêng và cả nước nói chung. Đòi hỏi
Đảng và Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp với tình hình phát triển
chung của đất nước trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, môi trường.
Phát huy truyền thống dân tộc kết hợp với pháp luật của Nhà nước trong việc quản lý đất đai, rừng
núi, sông suối và bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái. |