Abstract:
|
Đã phát triển một kiểu điện cực màng vàng mới (AuFE ex-in) khắc phục được nhược điểm cơ bản về độ lặp lại của điện cực AuFE truyền thống (AuFE ex-situ) khi phân tích asen với kỹ thuật chế tạo đơn giản, có thể áp dụng cho các phòng thí nghiệm chưa được trang bị hiện đại ở Việt Nam.
Đã xác định được AsIII bằng phương pháp DP-ASV/AuFE ex-in với độ lặp lại tốt (RSD = 3,5%, n = 20), độ nhạy cao (109,1 nA/ppb), GHPH thấp (0,4 ppb) và khoảng tuyến tính rộng (2 – 80 ppb). Trừ độ nhạy, các kết quả đạt được này đều tốt hơn kết quả nhận được khi dùng điện cực AuFE ex-situ truyền thống.
Lần đầu tiên sử dụng Na2S2O4 để khử AsV thành AsIII để xác định tổng AsIII và AsV bằng phương pháp DP-ASV/AuFE ex-in. Nồng độ AsV được tính dựa vào chênh lệch giữa kết quả phân tích tổng và phân tích riêng AsIII.
Ảnh hưởng của các ion ZnII, CuII, SO42, NO3 chỉ xảy ra ở nồng độ cao hơn nhiều mức thường gặp trong môi trường nước. FeII, FeIII chỉ ảnh hưởng nhẹ khi nồng độ gấp 200 lần nồng độ AsIII. Ở nồng độ nhỏ hơn 1 M, Cl làm tăng Ip của asen, nhưng lại làm giảm Ip khi nồng độ vượt mức này. AsIII không cản trở việc khử để xác định AsV.
Đã xây dựng được quy trình phân tích dùng phương pháp DP-ASV/AuFE ex-in để phân tích AsIII và AsV trong môi trường nước. Độ tin cậy của quy trình đã được kiểm chứng bằng cách phân tích mẫu CRM. Kết quả phân tích 21 mẫu nước thực tế theo quy trình này không khác đáng kể so với kết quả thu được khi dùng phương pháp HG-AAS. |