Abstract:
|
Từ trước đến nay, khi bàn về số lượng, thành phần các ngôn ngữ trong
nhóm Chăm (Chamic group), cũng như việc phân chia, sắp xếp tiếng nói của
những cộng đồng cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ này, thường có hai loại ý kiến:
1) Đa số các nhà nghiên cứu về cơ bản thống nhất với nhau rằng nhóm Chăm gồm
có ít nhất 5 ngôn ngữ: Chăm, Raglai, Chru, Giarai, Êđê. 2) Tuy nhiên cũng có
những người không đồng tình với ý kiến như vậy. Họ coi nhóm Chăm gồm ít nhất
6 ngôn ngữ: Chàm (Chăm), Raglai, Chru, Giarai, Êđê, và Bih (Rơmah Del, Trương
Văn Sinh, 1974). Gorys Keraf - một nhà ngôn ngữ học Indonesia trong cuốn
Linguistik Bandingan Historis (Ngôn ngữ học so sánh lịch sử, 1996) - đã đưa ra những
quan niệm hơi khác lạ về số lượng, thành phần các ngôn ngữ Chăm. Ông cho rằng
các ngôn ngữ Chăm ít nhất gồm 5 ngôn ngữ: 1- Cham (bao gồm Cham và Churu);
2- Raglai; 3- Jarai (bao gồm Giarai, Hơbau, Hơdrong, Arap); 4- Ngôn ngữ pha trộn
Jarai-Rade (bao gồm các nhóm: Chur, Krung, Mdhur, Blao - Blô); 5 - Rade ('Ede)
bao gồm ít nhất tiếng nói của 9 nhóm Kpa, Atham, Dle Rue, Ktul, Kadung, Drau,
Mun, Bi (Pi), Relam (Rlam). Gần đây, Graham Thurgood (1998) cho rằng có lẽ cần
phải coi tiếng Chăm Hroi là một ngôn ngữ riêng. |