Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Abstract:
Về mặt từ nguyên, từ “thị dân” thường có nghĩa tương đương với tầng lớp
“bourgeoisie” trong lịch sử Tây Âu trung đại. Nó dùng để chỉ những người thợ thủ công
và thương nhân sinh sống trong các thị trấn (bourg, burg), trong đó không có tầng lớp lãnh
chúa quý tộc cũng như nông nô, nông dân. Ở Việt Nam thời phong kiến không tồn tại
một kiểu thành thị như thế. Trong các đô thị, điển hình là Thăng Long - Hà Nội, các tầng
lớp bách tính thứ dân cùng tồn tại với đẳng cấp quan liêu. Thợ thủ công và thương nhân
chung sống và có mối tương giao thường trực với nông dân các thôn phường trong và
ngoài đô thị. Trong một tỉnh Hà Nội thời Nguyễn có diện tích rất lớn hoặc như trong
thành phố Hà Nội mở rộng ngày nay, thành phần nông dân và cư dân nông thôn vẫn
chiếm một tỷ lệ khá lớn, hiện nay ở Hà Nội tỷ lệ đó xấp xỉ 60%.