Abstract:
|
Nguồn lực là đầu vào cho tất cả các quá trình hoạt động của con người trong tất cả các lĩnh vực. Một trong những đặc điểm của nguồn lực là tính khan hiếm. (được hiểu như sự thiếu các yếu tố đầu vào cho một quá trình hoạt động cụ thể nào đó). Nguồn lực thông tin-thư viện cũng không là một ngoại lệ. Sự thiếu các yếu tố đầu vào đã tạo ra một thực tế cần được giải quyết, đó là chia sẻ nguồn lực. Xét về mặt tổ chức, sự chia sẻ nguồn lực là sự tích hợp khả năng đầu vào của các đơn vị hoạt động trong cùng một lĩnh vực cụ thể nào đó, ví dụ như lĩnh vực thông tin-thư viện. Xét về mặt quản lý, chia sẻ nguồn lực là biểu hiện của một quá trình ra quyết định dựa trên cơ sở lựa chọn các giải pháp tốt nhất cho một hoạt động. Như vậy chia sẻ nguồn lực liên quan chủ yếu đến hai hoạt động là tổ chức và quản lý. Nói một cách nôm na, chia sẻ nguồn lực là quá trình tạo mạng hoạt động (networking) nhằm huy động một cách tối đa các tiềm năng có thể về thông tin của các thư viện trực thuộc mạng. Chia sẻ nguồn lực còn có nghĩa là sự kết tụ năng lực quản lý của các nhà quản lý mạng thông tin-thư viện nhằm tạo ra một sức mạnh thông tin mới lớn hơn gấp nhiều lần các sức mạnh riêng lẻ. Có thể mường tượng về quá trình này như một quá trình phối hợp sức mạnh quản lý theo cách nói của người Anh "Two heads are better than one" hay theo cách nói của nguời Việt "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
Chúng tôi quay trở lại khái niệm đã nói ở trên về nguyên nhân dẫn tới sự bắt buộc phải chia sẻ nguồn lực, đó là tính khan hiếm. Theo ngôn ngữ hàng ngày, tính khan hiếm có nghĩa là không có đầy đủ tất cả mọi thứ để phân phát cho tất cả mọi người. Trong quản lý thông tin thư viện, tính khan hiếm có thể được hiểu là: khả năng cung cấp có hạn trước nhu cầu thực tế lớn hơn khả năng cung cấp đó từ người sử dụng thông tin. Tác động này của tính khan hiếm nguồn lực đối với hoạt động cụ thể của ngành thông tin-thư viện sẽ là một tác động nhiều mặt. |